Tóm tắt
Nghiên cứu này được dựa trên tổ hợp các kết quả phân tích các nguyên tố tạo quặng theo độ sâu và các thành phần khác. Kết quả nghiên cứu hành vi của các nguyên tố trong đới khoáng hóa đồng, urani - mlolipden lần đầu tiên được luận giải cho thấy: giai đoạn tạo khoáng khác nhau trong mối liên quan mật thiết với môi trường tương tác magma - đá vây quanh đã tạo nên các tổ hợp nguyên tố kiểu chuyển tiếp (Cu-Co-Ni, U-Mo-Ni, U-Co-Ni, U-Pb; U tách biệt với As; Cu có xu hướng tách biệt với U, As nhưng không rõ ràng). Sự di chuyển của các nguyên tố này phụ thuộc vào môi trường địa hóa magma và điều kiện môi trường tích tụ quặng. Granit hạt vừa - nhỏ biến đổi ít, có tính chuyên hóa khoáng vật phụ của Cu, chuyên hóa địa hóa Mo, Ni; hành vi của Cu không rõ ràng và có xu hướng ngược với Mo. Granit bị biến đổi mạnh thường liên quan với khoáng hóa đồng, trong đó Cu có xu hướng tổ hợp Mo-Co-Ni, đặc biệt là Zn. Còn granit sáng màu hơn có sự suy giảm nhiều về mức độ chuyên hóa Cu, Mo. Magma granit khu vực Kon Rá có thể là nguồn sinh quặng đồng- urani-molybden, vừa là nguồn gây biến đổi đá vây quanh - cung cấp năng lượng tái lắng đọng Cu-U-Mo. Các vấn đề nêu trên phục vụ xác định nguồn sinh quặng và hướng đến dự báo kiểu mỏ trong giai đoạn tìm kiếm khoáng sản tiếp theo.