Tóm tắt
Vùng Ba Tơ, Quảng Ngãi là vùng có điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ vermiculit, đặc biệt là loại có nguồn gốc phong hoá. Kết quả nghiên cứu đã xác định 4 kiểu mỏ vermiculit nguồn gốc phong hoá ở vùng Ba Tơ.
- Kiểu mỏ PH.1: Kiểu mỏ vermiculit phong hoá từ đá gneis biotit-hornblend giàu biotit Mg-Fe trong phức hệ Sông Re. Thân quặng có dạng lớp, thấu kính. Tổ hợp cộng sinh khoáng vật (THCSKV) đặc trưng là vermiculit-kaolinit-illit-goethit.
- Kiểu mỏ PH.2: Kiểu mỏ vermiculit phong hoá từ đá biến chất trao đổi giàu biotit Mg-Fe nguồn gốc siêu biến chất trong phức hệ Sông Re. Thân quặng có dạng thấu kính, dạng chuỗi ổ giả lớp. THCSKV đặc trưng là vermiculit-kaolinit-illit.
- Kiểu mỏ PH.3: Kiểu mỏ vermiculit phong hoá từ đá biến chất trao đổi giàu biotit Mg-Fe nguồn gốc nhiệt dịch trong các phức hệ Kan Nack và Phù Mỹ. Thân quặng dạng thấu kính, dạng chuỗi ổ giả lớp. THCSKV đặc trưng là vermiculit-kaolinit-illit-goethit.
- Kiểu mỏ PH.4: Kiểu mỏ vermiculit phong hoá từ đá mạch sẫm màu cao kali giàu phlogopit trong phức hệ Hoàng Lan. Thân quặng vermiculit có dạng mạch, thấu kính. THCSKV đặc trưng cho kiểu mỏ là vermiculit-kaolinit-illit-goethit.
Quặng vermiculit trong các kiểu mỏ này đều có tính phân đới rất rõ ràng về thành phần vật chất, cấu tạo, kiến trúc theo chiều đứng, trùng hợp với tính phân đới của VPH chứa chúng, trong đó, khoáng vật vermiculit tập trung chủ yếu trong đới phong hóa trung bình và phần thấp của đới phong hóa mạnh.
Vùng Ba Tơ rất có triển vọng khoáng sản vermiculit nguồn gốc phong hóa thuộc kiểu mỏ PH.2 và PH.3. Tổng tài nguyên vermiculit vùng Ba Tơ tính đến tháng 12/2009 khoảng 5,51 triệu tấn vermiculit, trong đó tài nguyên của kiểu mỏ PH.2 khoảng 2,45 triệu tấn, của kiểu mỏ PH.3 khoảng 3,16 triệu tấn.