Tóm tắt
Ở vùng núi nhiệt đới ẩm Việt Nam nói chung, vùng Cao Bằng và Hà Giang nói riêng, trượt lở đất (TLĐ) xảy ra mạnh mẽ hàng năm, chủ yếu vào mùa mưa, gây tổn thất lớn về tài sản và tính mạng con người. Đến nay đã có nhiều nghiên cứu hiện trạng và đánh giá nguy cơ tai biến TLĐ cho nhiều vùng núi ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Các nghiên cứu đó đã chỉ ra được những vùng có nguy cơ TLĐ cao; nêu lên những nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm hạn chế hiện tượng tai biến này.
Ở Cao Bằng và Hà Giang trong những năm gần đây (2000-2008) cũng đã xảy ra hàng chục đợt TLĐ lớn, xảy ra tại sườn các thung lũng suối cấp 1-3, thường phân bố ở bậc địa hình có độ cao tương đối 100-300 m, gần với mực cơ sở xâm thực địa phương. Quy mô và số lượng các điểm TLĐ thể hiện rõ sự phụ thuộc vào đặc điểm phân cắt sâu và phân cắt ngang của khu vực. Còn trên đường giao thông, TLĐ xảy ra mạnh mẽ tại các tuyến cắt qua sườn dốc cấu tạo bởi các đá biến chất, trầm tích lục nguyên, lục nguyên phun trào bị vụn nát do đứt gãy và khe nứt, với vỏ phong hoá dày vụn thô xen sét, nhất là nơi tạo taluy đường cao và dốc.
Để nghiên cứu thử nghiệm cảnh báo thời điểm TLĐ theo lượng mưa đã nghiên cứu toàn bộ những đợt mưa gây TLĐ ( có thông tin từ các báo cáo và báo chí), cũng như toàn bộ những trận mưa lớn và mưa rất lớn trong giai đoạn 2000-2008 tại các trạm đo mưa chính của tỉnh Hà Giang. Đã sơ bộ đề xuất một quy trình nghiên cứu cảnh báo thời điểm TLĐ theo lượng mưa, gồm 3 công đoạn là nghiên cứu thống kê, nghiên cứu mô hình và nghiên cứu cảnh báo. Quy trình này mang ý nghĩa một gợi ý, cần được nghiên cứu thực nghiệm tiếp tục nhằm bổ sung và hoàn thiện dần, để có thể áp dụng trong thực tiễn.