Tóm tắt
Kết quả “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Kon Plong” đã khoanh vẽ và phân chia chi tiết các tổ hợp đá biến chất vùng Kon Plong và Đắk Rong với sự hiện diện của các đá biến chất cao tướng granulit xếp vào phức hệ Kan Nack và chủ yếu ở tướng amphibolit xếp vào phức hệ Khâm Đức. Phức hệ Kan Nack lộ khá rộng rãi từ đứt gãy có dạng vòng cung Kon Leng-Đắk Pne-Kon Ka Kinh trở về phía Đông đến Nam Xã Hiếu và đến Đắk Rong (thượng nguồn Sông Ba) ở phía Nam. Đường phương cấu trúc chung á vĩ tuyến đến Tây Bắc-Đông Nam và á kinh tuyến. Tuổi đồng vị bằng phương pháp U-Pb trên zircon cho tuổi biến chất (253±3)-(252,3±7,5) triệu năm ứng với Permi muộn-Trias sớm (P3-T1), thuộc giai đoạn biến chất tạo núi Indosini. Phức hệ Khâm Đức lộ ra rộng rãi ở Ngọk Wang, Ngọc Réo, Đắk Bla, Tân Lập, Đắk Poe, Đắk Pui,… và các thể tù nhỏ nằm rãi rác trong diện lộ của granitoid phức hệ Hải Vân, Bến Giằng-Quế Sơn. Đường phương cấu trúc chung Đông Bắc-Tây Nam đến á kinh tuyến; ít hơn là phương Tây Bắc-Đông Nam. Tuổi đồng vị bằng phương pháp U-Pb trên zircon cho tuổi biến chất (458,5±8,8)-(455,0±9,5) triệu năm ứng với Ordovic giữa-muộn (O2-3) thuộc chu kỳ tạo núi Trung Bộ Việt Nam, tương đương với chuyển động Caledoni ở Bắc Âu. Như vậy, đá biến chất của vùng nghiên cứu là kết quả của hai chu kỳ tạo núi: Trung Bộ Việt Nam trong Ordovic-Silur, khi lãnh thổ Việt Nam chủ yếu thuộc Gondwanaland ở Nam bán cầu và Indosini trong Permi-Trias, khi lãnh thổ Việt Nam đã trôi dạt lên Bắc bán cầu.