Tóm tắt
Nghiên cứu các mẫu thu được trong lỗ khoan LK.CN1 tại Cồn Nổi, Kim Sơn, Ninh Bình, kết hợp với tài liệu đo địa chấn nông phân giải cao, phân tích các thế hệ bản đồ địa hình, ảnh vệ tinh, ảnh hàng không và đối sánh với tài liệu khu vực, có thể đưa ra các kết luận:
- Các trầm tích Đệ tứ ở khu vực nghiên cứu bao gồm trầm tích sông-biển tuổi Pleistocen sớm (amQ11), trầm tích sông-biển tuổi Pleistocen giữa-muộn, phần sớm (amQ12-3); trầm tích sông-biển, biển tuổi Pleistocen muộn, phần muộn (am,mQ13); trầm tích sông-biển, biển tuổi Holocen sớm- giữa (am,mQ21-2) và các trầm tích được thành tạo trong môi trường cửa sông ven biển tuổi Holocen muộn (amb, amQ23).
- Trong kỷ Đệ tứ, ở khu vực nghiên cứu ít nhất đã diễn ra 4 lần biển tiến xảy ra vào Pleistocen sớm, Pleistocen giữa-muộn, phần sớm; Pleistocen muộn, phần muộn và Holocen sớm - giữa; kết quả đã hình thành 4 nhịp trầm tích. Mỗi nhịp trầm tích bắt đầu bằng các trầm tích thuộc môi trường lục địa và kết thúc là trầm tích hạt mịn được hình thành trong môi trường cửa sông và môi trường biển; cuối mỗi nhịp đã xảy ra biển lùi, tạo ra các gián đoạn trầm tích mà dấu hiệu là các trầm tích hạt mịn có màu sắc loang lổ ở phần trên của mỗi nhịp trầm tích và các lòng sông cổ được thể hiện rõ nét trên các băng địa chấn.
- Trong thời gian tới, Cồn Nổi có xu thế dịch chuyển về phía tây nam cùng với hướng dịch chuyển của đỉnh Cửa Đáy. Vào khoảng 40-60 năm nữa, đỉnh Cửa Đáy sẽ nằm cách vị trí hiện nay 5,2 km về phía tây nam, cách Hòn Nẹ về phía đông nam khoảng 12km, cách vị trí Cồn Nổi hiện nay khoảng 8,5 km về phía tây nam. Cồn cát mới tương lai (tương tự Cồn Nổi) nằm cách vị trí hiện nay khoảng 5,2 km về phía tây nam.