Tóm tắt
Trên cơ sở các tài liệu địa chấn, từ và trọng lực mới nhất trên thềm lục địa Việt nam, các bể trầm tích Đệ tam, gồm bể Sông Hồng, Phú Khánh, Hoàng Sa, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính - Vũng Mây, Trường Sa và Malay - Thổ Chu đã được xác định một cách rõ ràng. Kết quả nghiên cứu phân tích địa tầng và cấu trúc cho thấy các bể có thể bắt đầu được hình thành trong Paleogen và bị khống chế chủ yếu bởi chuyển động thúc trồi vào Oligocen-Miocen và quá trình tách giãn Biển Đông. Hai yếu tố này tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Chính do các yếu tố địa động lực riêng từng khu vực đã tạo nên các hình dạng khác nhau của các bể trầm tích Đệ tam Đông Việt Nam. Các trầm tích tuổi Eocen-Oligocen hình thành gần nguồn lắng đọng trong môi trường chủ yếu là đồng bằng châu thổ và đầm hồ, đóng vai trò tầng sinh dầu khí quan trọng. Các trầm tích tuổi Miocen và trẻ hơn có môi trường trầm tích thay đổi từ đồng bằng châu thổ ở phía Tây sang chịu ảnh hưởng của biển nông tới biển sâu ở phía Đông. Hệ thống dầu khí của các bể trầm tích, các vùng đã được chính xác hóa bằng các tài liệu mới có chất lượng cao với việc áp dụng công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến đã cho ra các kết quả và các loại bản đồ bảo đảm đủ độ tin cậy trong nghiên cứu phân vùng triển vọng và đánh giá tiềm năng dầu khí đáp ứng được yêu cầu quy hoạch và quản lý tài nguyên, môi trường biển trong những năm trước mắt và lâu dài.